“Một ngày không có giáo viên” là một trong những chủ đề liên quan tới giáo dục được bàn luận nhiều nhất vào thứ 5 tuần này ở Chicago trên các phương tiện truyền thông và phương tiện liên lạc cá nhân khác. Nhưng mình muốn nhấn mạnh sự nghiêm trọng của vấn đề và diễn biến của nó bằng cách đổi bài viết này thành “Những ngày không có giáo viên” ở Chicago. Tại sao những ngày này ở Chicago lại không có giáo viên? Các bạn hãy tìm câu trả lời cho riêng mình khi đọc hết bài viết này của mình và tìm hiểu thêm thông tin “ngoài kia” nhé!
Từ cả tháng nay và giống như lần gần đây nhất vào năm 2012, nhiều giáo viên và cán bộ nhân viên thuộc các trường công lập thuộc học khu Chicago/ Chicago Public School, gọi tắt là CPS, chia sẻ với nhau và chia sẻ trong Hiệp hội giáo viên Chicago / Chicago Teacher Union (gọi tắt là CTU) và Hiệp hội nhân viên phục vụ (Service Employees International Union), gọi tắt là SEIU, về những bất cập trong công việc, việc dạy và học trong trường nơi họ làm việc. Họ tin rằng những bất cập ấy ảnh hưởng lớn tới học sinh và cần được giải quyết vì học sinh, vì chính nghĩa. Họ muốn CPS, thị trưởng thành phố, phụ huynh, các cộng đồng và người dân của thành phố Chicago lắng nghe và ủng hộ để tìm kiếm sự thay đổi cẩn thiết. Họ hy vọng các yêu cầu được thỏa mãn để giáo viên và cán bộ công nhân viên của các trường học có thể trở lại làm việc bình thường sớm nhất có thể.
Chính vì vậy mà cả tháng qua, giáo viên và nhân viên thuộc CPS đã thảo luận, thuyết phục nhau, và biểu quyết để đi đến quyết định biểu tình vào trưa thứ 4, ngày 16 tháng 10 trong tuần này. Phụ huynh khi đón con giờ tan học của ngày hôm đó được thông báo về việc các lớp học bị hủy vào ngày hôm sau. Vậy là các cuộc biểu tình chính thức bắt đầu từ thứ 5, ngày 17 tháng 10 năm 2019, đánh dấu ngày đầu tiên toàn bộ các lớp học của hơn 360 nghìn học sinh tại các trường công lập thuộc CPS, thành phố Chicago, bị hủy. Trong ngày đầu tiên này, những thành viên tích cực từ CTU và SEIU, 2 tổ chức đại diện cho hơn hàng nghìn giáo viên và nhân viên đã gửi những đề án yêu cầu CPS và thị trưởng thành phố Chicago, bà Lori Lightfoot, ngồi vào bàn thương lượng để đi đến sự đồng thuận trong bốn vấn đề chính sau:
1.Giảm sỹ số lớp học
Nhiều giáo viên chia sẻ thực trạng ở trường tiểu học, cụ thể là ở lớp vỡ lòng (kindergarten) và lớp 1 mà họ phụ trách có tới 40-50 học sinh. Và trong đề án mong muốn được giảm xuống 28/ lớp.
2. Bổ sung cán bộ nhân viên hỗ trợ
Các vị trí nhân viên cần được bổ sung cho một đơn vị trường bao gồm 1 y tá, 1 nhân viên xã hội, 1 người quản lý thư viện, tư vấn viên (school counselor), 1 nhân viên/giáo viên phụ trách hỗ trợ giáo dục đặc biệt. Và trong đó có những điều khoản để đảm bảo những vị trí này sẽ được tâm trung vào chuyên môn thay vì bị điều làm thêm các công việc khác để hỗ trợ học sinh trong ngày. Ví dụ: tư vấn viên sẽ được làm việc và hỗ trợ học sinh như đưa ra các tiết dạy/ tiết tư vấn (intervention session) trong giờ ra chơi, chứ không phải ra ngoài sân để trông học sinh.
3. Tăng lương cho giáo viên và cán bộ nhân viên hỗ trợ
Theo như CTU, “Trong khi giáo viên Chicago trung bình kiếm được gần $79.000 và thậm chí giáo viên năm thứ 2 kiếm được gần $54.000, thì những nhân viên hỗ trợ [như giáo viên trợ giảng, người hỗ trợ đưa đón học sinh đi xe buýt, bảo vệ nhà trường, …] sống nhờ những tờ phiếu trả tiền. Nhiều người phải làm thêm hai tới ba công việc và một số kiếm được chỉ khoảng $28.000 một năm…Con cái của 2/3 trong số những nhân viên này đủ tiêu chuẩn để nhận được bữa trưa miễn phí và giảm tiền cho bữa trưa [do thu nhập gia đình thấp.].”
4. Đưa giáo dục song ngữ vào chương trình
Ở Chicago, tỷ lệ học sinh da màu [không phải gốc Mỹ trắng] cần giáo viên song ngữ hỗ trợ trong việc học tiếng Anh trong lớp lên tới 20%. Chính vì thế chương trình cần được điều chỉnh. Vấn đề này cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao trong đề án yêu cầu trong trường học chính thức có vị trí cho những nhân viên/giáo viên hỗ trợ giáo dục đặc biệt.
Day 1:
Trong ngày đầu tiên, chưa có bất kỳ điều khoản nào trong các bản đề án liên quan tới 4 vấn đề trên chính thức được chấp nhận và ghi vào văn bản có tính pháp luật. Chính vì thế mà CTU và SEIU quyết định kéo dài cuộc biểu tình tới ngày thứ 2 với hy vọng có thêm thời gian để 2 tổ chức này và những người đứng đầu CPS và bà Lori Lightfoot-thị trưởng thành phố có thêm thời gian để thương lượng và đi đến sự đồng thuận cần thiết. Đây là nỗ lực để chấm dứt 2 ngày liên tiếp diễn ra các buổi biểu tình, đàm phán và học sinh có thể quay trở lại học vào thứ 2 đầu tuần tới.
Day 2:
Trong khi ngày đầu tiên, các thành viên của CTU và CEIU chủ yếu theo dõi các cập nhập từ các cuộc họp báo từ đại diện của mình với sự ủng hộ của một số lượng ít phụ huynh có mặt trong các buổi họp báo, thì ngày thứ 2 của cuộc biểu tình diễn ra có tổ chức hơn và quy mô hơn rất nhiều. Điều này thể hiện ở số giờ đại diện các bên ngồi vào bàn đàm phán (lên tới 10 tiếng kéo dài) và lượng người tham gia. Đoàn người biểu tình đã lên kế hoạch chuẩn bị với nhiều công sức và chi tiết về thời gian (từ 6:30 sáng tới 10h trưa cùng ngày), địa điểm (downtown trung tâm thành phố Chicago), băng rôn, khẩu hiệu, và đồng phục, … Ước tình số người tham gia lên tới chục nghìn người bao gồm hơn 32 nghìn giáo viên và cán bộ nhân viên, phụ huynh, số rất ít học sinh (theo cha mẹ), rất nhiều người dân, và các tổ chức xã hội. Họ nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng trong thành phố cũng như trên toàn nước Mỹ. Các cửa hàng và người dân trong thành phố ủng hộ bằng cách để nước uống và đồ ăn trên các tuyến phố và con đường đoàn người biểu tình đi qua. Những người lái xe qua đường ủng hộ bằng những tiếng còi xe và những lời động viên. Trên trang Web của CTU đầy ắp những tin nhắn của đồng nghiệp trên khắp nước Mỹ thể hiện sự ủng hộ và ở bên với mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho những người tham gia biểu tình và đàm phán. Một số bệnh viện trong thành phố đã chủ động tổ chức các phòng trông trẻ để nhân viên yên tâm công tác. Lý do là nhu cầu bệnh nhân cần được chăm sóc nên bệnh viên không thể thiếu nhân viên nếu nhân viên phải nghỉ ở nhà để trông con.
Về phía CPS, họ cũng đưa ra những lý do cho việc không thể đáp ứng hết những yêu cầu trong bản đề xuất tuy nhiên cũng mong muốn đi đến sự đồng thuận hợp lý vì lợi ích và quyền lợi của học sinh. Trong khi ngày đầu, CPS thông báo tất cả các lớp học bị hủy, đồng nghĩa với việc học sinh sẽ không tới trường thì ngày thứ 2 của cuộc biểu tình, CPS ngoài thông báo việc tiếp tục hủy các lớp học thì CPS hỗ trợ học sinh của mình bằng cách tất cả các trường học vẫn mở cửa đón các em và phát đồ ăn trong ngày, bao gồm cả phần đồ ăn tối. Phụ huynh học sinh sẽ cần đăng ký và thông báo trước cho CPS.
Cuối giờ chiều ngày biểu tình thứ 2 sau nhiều tiếng đàm phán giữa các bên, đại diện CTU cũng đã có những cập nhật mới nhất. Họ đưa ra những tín hiệu lạc quan khi thông báo “ we are close, but have not been there yet”, tạm dịch là chúng ta đang rất gần tới việc đạt được những nhiều điều khoản yêu cầu, nhưng chúng ta chưa thực sự có được chúng”. Những đại diên này cũng không quên gửi lời cảm ơn gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, và người dân đã ủng hộ và ở bên họ và mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ trong những ngày tiếp theo. Những người đại diện thông báo tới những người ủng hộ rằng ngày mai, thứ 7, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu lúc 1 giờ chiều và chủ nhật lúc 11 giờ sáng tới chiều muộn cùng ngày. Họ khẳng định những nỗ lực mà họ đang làm vì học sinh, là một phần của những bước tiến, những cải cách giáo dục. Mình tin rằng hình thức đấu tranh của giáo viên và nhân viên ở các trường công tại Chicago chắc chắn sẽ đạt được một số kết quả bởi Mỹ là một xã hội dân chủ, một xã hội dân sự. Cụ thể so với các bang khác, sỹ số lớp học ở Chicago hiện tại là cao. Yêu cầu để sỹ số một lớp 28 là hoàn toàn chính đáng. Những yêu cầu khác cũng hoàn toàn chính đáng. Có thể chính quyền thành phố sẽ chấp thuận nếu người dân thành phố ủng hộ.
Rõ ràng trong mọi cuộc đàm phán, các bên đều có lý lẽ và đưa ra dẫn chứng riêng của mình. CPS và thành phố thì nói rằng vấn đề là họ không có thêm tiền để thỏa mãn hết các yêu cầu, rằng tiền thuế cần được sử dụng hợp lý cho những người đóng thuế. CTU và SEIU thì đưa ra những con số khủng mà thành phố có, những số tiền lớn mà thành phố có thể chi để xây dựng các khu vui chơi ở những khu vực nhà ở của những người có thu nhập cao, và nhiều dự án khác. Họ cũng cho rằng đầu tư cho học sinh, chính là khoản đầu tư chính đáng nhất vì tương lai của thành phố…
Vậy quay lại với một số vấn đề liên quan ở Việt Nam chúng ta. Chúng ta có thể làm được theo cách của Mỹ không? Vì theo điều lệ trường học lớp học tiểu học không quá 35 em, lớp học THCS không quá 40 em… Nhưng thực tế lớp học lên đến 50, 60 em. Các nhà trường không thể đấu tranh vì chính quyền không có ngân sách để xây trường. Vấn đề lương cơ bản cũng vậy. Nó đã được Quốc hội thông qua. Các nhà trường đấu tranh là bất hợp pháp.
Qua cuộc đình công lần này ở Chicago, mình thấy có quá nhiều bài học quý giá mà những người làm trong ngành giáo dục như bạn hay mình, phụ huynh, học sinh, hay một người dân làm việc trong các lĩnh vực khác cũng cần biết, tìm hiểu, và suy ngẫm. Bởi có thể một ngày nào đó, bạn và mình cũng muốn thay đổi một hay nhiều điều trong giáo dục ở Việt Nam nhưng không trông mong sự thay đổi đó đến từ các cơ quan cao nhất chịu trách nghiệm. Thay vào đó, bạn và mình tin sự thay đổi và sự tác động hiệu quả nhất cần đến từ phía dưới, từ chúng ta- những giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường, từ phụ huynh, từ động đồng và các tổ chức xã hội. Chúng ta sẽ cần học cách bước ra khỏi “vùng an toàn”, nơi chúng ta thường tránh không chọn “cách nổi dậy”, cho rằng sức mạnh cá nhân là nhỏ bé, đổ lỗi cho người khác, cho rằng những vấn đề mà con cái chúng ta đang phải đối diện hay có tiềm năng bị ảnh hưởng là chuyện nhỏ, và cho rằng bàn luận là việc lo xa và không cần thiết. “Vùng an toàn” là nơi bạn, tôi, và mọi người xung quanh vẫn sống “tốt” từ xưa tới giờ. Ít nhất nó không ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế, công việc, và danh tiếng của bạn và tôi. Còn khi bước ra cùng an toàn đó, sẽ có nhiều rủi ro. Nghĩ tới đó tôi cũng ngại chứ. Nhưng có nhiều cách để chúng ta thay đổi từ dưới lên, từ ngay chúng ta mà không nhất thiết phải phá luật. Hãy dùng sự thay đổi mình có thể tạo ra để ảnh hưởng, để bắt những điều tưởng chừng như không thể phải thay đổi theo. Mình là người chưa bao giờ mất niềm lạc quan trong cuộc sống, ngay cả khi bản thân mình có lúc cũng sống trong những ngày gian khó. Mình luôn thấy những giá trị có được từ những trải nghiệm đau thương. Mình tin rằng, đối diện nhiều hơn với những khó khăn, và bỏ ra nhiều nỗ lực để vượt qua những khó khăn ấy chính là con đường và là cách tốt nhất để chúng ta trưởng thành hơn, và trở nên con người hơn.
P/S:
Nếu có thời gian, bạn hãy tìm đọc thêm về cuộc biểu tình mấy ngày qua ở Chicago nhé! Mình thực sự không có nhiều thời gian để theo dỗi để tìm hiểu hết và đưa ra chính xác các thông tin phía trên. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông qua các câu hỏi gợi mở phía dưới đây của mình, hãy đối chiếu, phân tích, và đưa ra nhận định riêng của mình. Nhớ chia sẻ cho mình nhé!
• Có quy định nào về sỹ số học sinh tiểu học trong một lớp ở các trường học công của CPS ? Và có phải bản đề nghị nhắc tới việc cần giảm xuống 28 học sinh trên một lớp như mình biết không?
• Ngoài giáo viên, những cán bộ nhân viên trường gồm như ai? Và nhiệm vụ của họ thế nào?
• Mức lương của giáo viên và cán bộ công nhân viên Chicago khác biệt thế nào với các ngành nghề khác trong thành phố? Cũng như so sánh mức lương chung của giáo viên và các nghề khác trong xã hội Mỹ? Nhiều cán bộ công nhân viên trong trường đã làm thêm những công việc gì để có thêm thu nhập?
• Bạn có ủng hộ việc cần có thêm giáo viên song ngữ hỗ trợ học sinh trong các nhà trường không?
Một số câu hỏi liên hệ khác:
• Nếu bạn và trường bạn cần thêm giáo viên và các vị trí nhân viên hỗ trợ khác, bạn và trường sẽ bắt đầu từ đâu? Làm gì?
• Các đoàn thể sẽ làm gì để giải quyết những bất cập trong giáo dục của VN?
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này!